Tại Hội thảo Du học Trung Quốc 2023 tổ chức sáng ngày 4.12.2022 tại Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quốc Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giáo dục Hoa ngữ Quốc tế (QTEDU) - đơn vị tổ chức, nhận định Trung Quốc đang gặp vấn đề già hóa dân số, do đó, nước này sẽ thu hút số lượng lớn du học sinh đến thông qua các chương trình học bổng kết hợp học nghề để có một lực lượng lao động giá rẻ. Nếu trước đây, chương trình cho du học sinh ở Trung Quốc chủ yếu là các ngành liên quan tới Hán ngữ thì xu hướng hiện nay là các chương trình học đang chuyển dần sang hướng kết hợp với học nghề và du học nghề như ở Nhật Bản hay Đức. Các trường cũng sẽ chuyển sang cấp học bổng bán phần nhiều hơn học bổng toàn phần.
Theo TTXVN, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 10 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc cũng cam kết cung cấp không dưới 1.000 suất học bổng chính phủ, đào tạo không dưới 1.000 giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam trong 5 năm tới.
Do đó, theo các chuyên gia, cơ hội để học sinh, sinh viên Việt Nam du học Trung Quốc ngày càng nhiều.
Với học bổng danh tiếng nhất - học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC), ông Trần Anh Chung, Phó giám đốc Công ty TNHH Du học Vimiss Việt Nam, cho biết học bổng này năm nay cơ bản không thay đổi, thí sinh vẫn được phép dự tuyển ba nguyện vọng. Đây là học bổng toàn phần gồm học phí, phí ký túc xá và trợ cấp hàng tháng khoảng 2.500 - 3.500 nhân dân tệ (8,6 - 12triệu đồng), tùy theo bậc học. CSC có đủ các hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; đa dạng chuyên ngành và đào tạo bằng tiếng Anh hoặc Trung. Những trường đại học trong danh sách được cấp học bổng đều đạt được những tiêu chí đánh giá khắt khe của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhiều trường thuộc top những đại học tốt nhất thế giới.
Số học bổng CSC cho sinh viên Việt Nam qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng trong những năm gần đây, từ 34 suất năm 2020 lên 44 suất năm 2021, 50 suất năm 2022 và 69 suất năm 2023.
Theo ông Chung, hai năm qua, việc học online với sinh viên ở một số nước châu Âu, châu Mỹ không thể diễn ra do lệch múi giờ nên năm nay Trung Quốc có thể sẽ ưu tiên học bổng cho các đối tượng này. Các ứng viên nên chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp sớm.
Một học bổng giá trị khác là học bổng Khổng Tử (CIS) dành cho người theo chuyên ngành về ngôn ngữ, văn hóa của Trung Quốc. Học bổng này có chính sách tương tự học bổng CSC, miễn học phí, ký túc xá và cấp sinh hoạt phí hàng tháng 2.500-3.500 tệ tùy theo bậc học. Khi dịch bệnh bùng phát, học bổng này có thêm hình thức bán phần (chỉ miễn học phí). Năm nay, hơn 150 cơ sở đào tạo của Trung Quốc tuyển sinh học bổng này.
Hiện ở Việt Nam có ba điểm cấp thư giới thiệu học bổng CIS là Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Khổng tử (Đại học Hà Nội). Học sinh cần thư giới thiệu có thể liên hệ ba điểm trên. Trong đó, Đại học Sư phạm TP HCM đã công khai lịch nhận email xin thư giới thiệu của Viện Khổng Tử từ 15/12/2022 đến 15/2/2023.
"Các bạn nhớ lịch này để xin thư giới thiệu sớm, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ trước 15/3 để nộp", ông Chung gợi ý.
Theo bà Đinh Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trác Việt, ngoài hai học bổng nổi tiếng là học bổng CSC và học bổng CIS, Trung Quốc có rất nhiều loại học bổng khác, như học bổng của trường, của địa phương. Trong khi CSC và CIS thường yêu cầu chứng chỉ năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK, HSKK), cũng có một số học bổng không yêu cầu chứng chỉ này mà cấp thêm cho học sinh một năm học tiếng, tùy từng trường. Bà Bình ví dụ học bổng toàn phần ASEAN của tỉnh Quảng Tây, gồm một năm học tiếng, học phí, miễn ký túc, bảo hiểm, thậm chí sinh hoạt phí hàng tháng.
Song theo bà, ứng viên vẫn nên có chứng chỉ HSK, thấp nhất từ HSK 3, vì chứng chỉ này giúp các em có cơ hội với nhiều học bổng hơn và không mất thêm thời gian học tiếng.
Tại Việt Nam, hiện 7 điểm tổ chức thi HSK, HSKK bị hoãn để hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư 11 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài. Tiến sĩ Tư dự đoán nhanh nhất phải tới tháng 1 hoặc 2 năm tới các kỳ thi mới được khởi động lại, nếu không phải tới tháng 3 hoặc 4. Việc này ảnh hưởng lớn đến những thí sinh muốn sử dụng chứng chỉ này để xin học bổng, việc làm hay tốt nghiệp. Thí sinh cần chứng chỉ HSK chỉ còn cách sang Thái Lan hoặc một số nước lân cận để thi.
"Tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm duyệt nhanh hơn để các kỳ thi được mở lại", ông Tư nói.
Theo thống kê tháng 12/2020 của mạng xã hội Tencent, có hơn 13.500 du học sinh Việt Nam theo học tại Trung Quốc. Con số này nhỉnh hơn số du học sinh Việt tại Anh (12.000), thấp hơn số du học sinh ở Mỹ (hơn 20.000), Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc (trên 30.000).
Nguồn: https://vnexpress.net/