Ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm là một trong bốn lễ hội truyền thống lớn nhất của Trung Quốc với rất nhiều tên gọi như Đêm trông trăng, Lễ hội tháng tám, Hội rằm tháng tám, Lễ hội đuổi trăng, Lễ hội chơi trăng, Lễ hội cúng trăng, Tết thiếu nữ hay Tết đoàn viên, nhưng có lẽ tên gọi được mọi người biết đến nhiều nhất đó chính là TẾT TRUNG THU. Theo lịch Trung Quốc, tháng 8 âm lịch tức là giữa mùa thu, vì là tháng thứ 2 của mùa thu, hơn nữa ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu, vì vậy nó được gọi là “Trung thu”.
Tết Trung thu bắt đầu từ thời nhà Đường và thịnh hành vào thời nhà Tống, đến thời nhà Minh và nhà Thanh, Tết Trung thu đã phát triển thành một lễ hội truyền thống của Trung Quốc được đặt tên như là Tết Nguyên Đán. Không chỉ Trung Quốc, mà một số Quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc như các nước Đông Á và Đông Nam Á cũng đón Tết Trung thu, đặc biệt là người Hoa và Hoa kiều ở các nước này, họ vui Tết Trung thu để nhớ đến văn hóa của quê nhà.
Ngày 20 tháng 5 năm 2006, Tết Trung thu được chính phủ Trung Quốc đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đợt 1. Năm 2008, Trung Quốc quyết định đưa Tết Trung thu vào danh sách những ngày lễ theo quy định Quốc gia.
Phong tục trong Tết Trung thu ở Trung Quốc
1. Ngắm trăng
Từ xa xưa người Trung Quốc đã có tục ngắm trăng. Vào thời nhà Chu, mỗi dịp Tết Trung thu mọi nhà đều đặt bàn hương án lớn, bày dưa hấu, táo, mận, nho, các loại trái cây theo mùa, và tuyệt đối không thể thiếu bánh trung thu.
2. Ăn bánh Trung thu
Ngươi Trung Quốc có câu: “Mười lăm tháng tám trăng tròn, bánh trung thu vừa thơm vừa ngọt”. Bánh Trung thu ban đầu được dùng để cúng thần Trăng. Về sau, người ta dần dần kết hợp việc ngắm trăng Trung thu với việc nếm bánh Trung thu, tượng trưng cho sự sum họp của gia đình.
3. Cúng trăng
Đặt tượng thần Trăng theo hướng trăng rọi, ngọn nến đỏ được thắp trên cao, mọi thành viên trong gia đình lần lượt cúng trăng, sau đó người phụ nữ trong gia đình cắt bánh trung thu sum họp. Khi cắt cần tính trước cả gia đình có bao nhiêu người, phải cắt vừa đủ và kích thước phải như nhau.
4. Đốt đèn
Người Trung Quốc dùng nến buộc vào ống trúc đặt trong lồng đèn để làm đèn Trung thu, sau đó treo cao trên mái hiên, thềm nhà hoặc xếp chúng theo hình ziczac hay bất kỳ hình thù gì khác nhau mà gia chủ muốn.
5. Xem thuỷ triều
Ở Chiết Giang, ngoài tục ngắm trăng, xem thủy triều được coi như một tập tục độc đáo khác Tết Trung thu khác. Phong tục xem thủy triều vào Tết Trung thu đã có từ lâu đời. Sau thời Hán, trào lưu xem thủy triều vào dịp Tết Trung thu đã trở nên phổ biến hơn.
6. Dạo trăng
Dưới ánh trăng sáng, mọi người mặc quần áo lộng lẫy, rủ nhau dạo chợ, hoặc chèo thuyền trên sông, hoặc lên lầu ngắm trăng, trò chuyện tâm tình. Ngày xưa, người Nam Kinh còn có tục cầu tự “dạo trăng” rất đặc biệt. Tương truyền, những phụ nữ có chồng mà không sinh được con trai đều nên đến miếu Phụ Tử rồi bước qua cây cầu để cầu tự với ước mong cầu được ước thấy.
7. Chơi đèn lồng
Tục chơi lồng đèn Trung thu thường phổ biến ở miền Nam Trung Quốc. Tại lễ hội sắc thu ở Phật Sơn, có đủ các loại đèn lồng với nhiều hình dáng khác nhau như đèn lồng mè, đèn lồng vỏ trứng, đèn lồng rơm, đèn lồng vảy cá, đèn lồng hạt dưa, đèn lồng chim, thú, hoa và cây... khiến mọi người vô cùng thích thú.