Tết Đoan Ngọ (ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa.
Với người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Còn với người Trung Quốc, tết Đoan Ngọ gắn liền với truyền thuyết về nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên. Là người có tính khí cương trực, ông luôn can ngăn vua nên bị hội gian thần hãm hại buộc phải đi đày. Trên đường đi đày, nghe tin nước Sở mất ông buồn bã gieo mình tự vẫn xuống sông Mịch La vào ngày mùng 5 tháng 5. Để bày tỏ lòng thương tiếc vị trung thần, người dân thường tổ chức tưởng niệm cho ông vào đúng ngày này.
Không giống như Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được coi là ngày lễ lớn của cả nước Trung Hoa. Bởi vậy, theo quy định người Trung Quốc sẽ được nghỉ 2 ngày.
Trong dịp này, người Trung Quốc cũng có rất nhiều hoạt động ý nghĩa và thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng như: lễ hội đua thuyền rồng, ăn bánh nếp (bánh ú), uống rượu hùng hoàng, đeo túi thơm...