Học gì từ nền giáo dục Trung Quốc?

Từ những kết quả đạt được của nhân dân Trung Quốc về kinh tế cũng như văn hoá, xã hội dựa trên thành quả của giáo dục mà Trung Quốc chú trọng cải cách trong 25 năm qua, Việt Nam có thể học tập được gì từ cuộc cải cách của Trung Quốc trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước?

Phương châm chiến lược phát triển Giáo dục Trung Quốc đó là: Giáo dục hướng về hiện đại, Giáo dục hướng tới tương lai và Giáo dục hướng ra thế giới. Đây là tư tưởng xác lập vị trí chiến lược của Giáo dục trong nỗ lực xây dựng đất nước phát triển, nhất là nhằm tăng cường hội nhập quốc tế. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc chủ trương bồi dưỡng, giáo dục nhân tài theo ba hướng này.

Giáo dục hướng về hiện đại

Hướng về hiện đại hoá tức là xây dựng mối quan hệ giữa GD với phát triển kinh tế. Gắn Giáo dục với việc thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước.

Hướng ra thế giới là mối quan hệ giữa giáo dục và thế giới, vừa tuân theo những đặc trưng giáo dục Trung Quốc vừa chú ý đến xu thế phát triển của khoa học, kỹ thuật và giáo dục các nước khác trên thế giới nhằm có biện pháp, chính sách, chủ trương đúng đắn cho giáo dục.

Giáo dục hướng tới tương lai

Hướng tới tương lai là xác định mối quan hệ giữa giáo dục và tương lai, nhấn mạnh nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá.

Để thực hiện "ba hướng này" Trung Quốc tiến hành bằng nhiều biện pháp cụ thể.

Phát triển mô hình trường Trung học phổ thông tổng hợp (THPTTH) thử nghiệm ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến. Mô hình THPTTH được coi là mô hình trường giáo dục hướng nghiệp tốt nhất cho HS vì HS có thể tự lựa chọn nghề nghiệp trong cơ chế thị trường cạnh tranh hoặc tiếp tục học lên CĐ, ĐH theo sở thích của mình.

Ưu điểm của trường này là HS sau khi ra trường vừa có trình độ học vấn phổ thông (được cấp bằng THPT), vừa có trình độ kỹ năng nghề nghiệp (được cấp chứng chỉ nghề) để tham gia vào thị trường lao động. Có thể thấy mô hình trường này rất thích hợp với Việt Nam, khi ta đang cố gắng đào tạo, phát huy nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh hệ thống trường công lập được chú trọng đầu tư phát triển, Trung Quốc còn chú trọng phát triển hệ thống trường dân lập. Hình thành cục diện mới song song với việc phát triển trường công lập và dân lập. Đây là con đường tất yếu để một đất nước còn nhiều khó khăn có thể đại chúng hoá giáo dục ĐH, biến gánh nặng về dân số thành nguồn nhân lực dồi dào có trình độ cao.

Trung Quốc khẳng định giáo dục ĐH là nòng cốt quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá mà các trường ĐH là nơi đào tạo chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trên nhiều lĩnh vực tri thức và cũng là mảnh đất gieo mềm sáng tạo, nơi bừng nở kiến thức.

Trung Quốc còn chủ trương phát triển nhiều hình thức trường ĐH đào tạo không chính quy như ĐH qua truyền hình, ĐH nông dân, ĐH viên chức, học viện Giáo dục và bồi dưỡng GV, học viện quản lý cán bộ, ĐH tự học có hướng dẫn. Đây là những trường ĐH kiểu mới trên cơ sở kết hợp 3 yếu tố: cá nhân tự học, xã hội trợ giúp, nhà nước chỉ đạo.

Phương thức đào tạo này nếu được áp dụng vào Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội học ĐH cho mọi người, góp phần vào thực hiện mục tiêu Giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Giáo dục hướng ra thế giới

Bài học lớn từ thực tiễn 25 năm cải cách mở cửa cho thấy: muốn hiện đại hoá phải thực hiện cải cách, mà muốn cải cách không còn con đường nào khác ngoài con đường học hỏi, kế thừa tiến bộ khoa học công nghệ phương tây (chủ yếu là Mỹ). Quá trình học hỏi, chuyển giao công nghệ nước ngoài đem lại nhiều ưu thế hơn cho Trung Quốc: không phải tốn nhiều thời gian và tiền của cho nghiên cứu công nghệ mới, tranh thủ được thời gian, rút ngắn khoảng cách phát triển với các cường quốc trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc chủ trương mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài trong khi vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những thành tựu tiên tiến về giáo dục của các nước trên thế giới, thực hiện chủ trương tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế với phương châm "ủng hộ lưu HS, khuyến khích về nước, đi về tự do".

Du HS được coi là nguồn tài sản quí giá của đất nước, được nhà nước coi trọng, được tín nhiệm và hưởng nhiều ưu đãi. Du HS là đội ngũ trí thức trẻ đem tinh hoa học hỏi từ bên ngoài để về xây dựng đất nước.

Trên thực tế, chính sách thu hút HS không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà nó có từ thời Tôn Trung Sơn. Tư tưởng Giáo dục của Tôn Trung Sơn là trọng dụng người tài nên chủ trương khuyến khích du học, bồi dưỡng nhân tài.

Thực hiện chính sách mở cửa, Trung Quốc không những đưa HS đi du học mà còn thu hút, tiếp nhận SV từ 154 nước đến học tập và nhiều giáo viên, học giả nước ngoài về giảng dạy. Song song với hợp tác đào tạo trao đổi giáo viên, du HS, trải thảm đỏ đón du HS, Hoa kiều về phục vụ đất nước, Trung Quốc còn thực hiện tốt công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Công tác này góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám - chảy máu tài sản trí tuệ đồng thời khuyến khích các nhà khoa học và các nhà đầu tư bỏ thời gian tiền bạc, công sức và trí tuệ vào nghiên cứu, phát minh, sáng tạo nhiều công trình khoa học phục vụ cho phát triển đất nước.